LỜI PHI LỘ
Trong khi tôi đang miệt mài dịch sách tại chùa Phật Ấn thị xã Hà Đông thì vào ngày 17 tháng 05 năm 1981, Phật tử Diệu Thuận ở Trương Định đến thăm và đưa lại cho tôi tập thơ viết tay từ thời kỳ tôi mới xuất gia với cái tên Đồng niên thi tập, tập thơ viết trong thời nhi đồng. Đó là một số cảm tác thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt do tôi sáng tác hồi nhỏ vốn tản mạn ở các quyển vở học tập thời Hình Đồng mà sau này các đệ tử ở trong môn phái tập hợp được. Ngồi dưới ánh đèn điện vàng mở ra và độc lại từng trang, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những bước đường đã đi qua. Song lại buồn cười về những lời thơ bồng bột của tuổi trẻ. Tôi đã toan cất vào tủ sách nhưng rồi một người đạo hữu tri âm mang sao chép và biên tập lại. Tôi ngỏ ý không tán thành và muốn thu lại thì ông đạo hữu can ngăn: “Đây là một kỷ niệm đáng quý ghi lại những dấu ấn thời gian, cũng nên cho bạn bè biết”. Tôi trình bầy: “Đây là một lối thơ gò bó theo kiểu Đường luật, lại hạn chế về khuôn khổ, khó diễn đạt được hết ý. Vả lại đây là những bài thơ hồi nhỏ tôi làm, ý tứ nông cạn, lời lẽ thô thiển. Vả chăng lối thơ Đường luật thời nay ít người ưa chuộng.”
Đạo hữu nói: “Sư ông đừng nên có tư tưởng như Tử Kỳ khi không còn Bá Nha mà phải biết rằng đời không lúc nào thiếu bậc tri âm. Hiện tại nếu chưa gặp được thì cứ gẩy khúc cao sơn thuỷ, nếu không ai hiểu thì tay gẩy, tai nghe việc gì mà đập đàn. Có câu: "Khốc quỷ kinh thần, nếu chưa ai biết thì tay viết miệng ngâm việc gì mà gác bút. Biết đâu đằng sau tiếng đàn không dây vẫn có bậc tri âm chờ sẵn.”
Nghe mấy lời trên tôi bừng tỉnh ngộ và đồng ý để cho ông bạn này sao chép, biên tập lại và đổi tên là Thiền môn thi ký để gửi tặng một số Pháp Hữu trong Đạo tràng. Về phần mình, tôi cũng coi đây là một tập nhât ký nhỏ bằng thơ và giữ làm kỷ niệm. Sau này nếu may mắn có bạn nào yêu thơ đọc thì mong được chỉ bảo.
Nguyệt Trí Thích Viên Thành thủ bút.
Chao ôi! Đã được đến Hương Sơn
Trút hết bao nhiêu nỗi oán hờn
Mưa pháp, gió Từ nhuần thấm mát
Cõi lòng chan chứa một nguồn ơn.
Tháng 5-1965
Chiều đông cuồn cuộn nổi phong hàn
Tôi đứng sườn non lệ chứa chan
Đau xót nhìn từng cây cỏ héo
Ngậm ngùi trông mỗi cánh hoa tàn
Trách đời sinh tử mau ly hợp
Thương cảnh luân hồi chóng tụ tan
Hàm thức còn say trong biển nghiệp
Bao giờ chở hết tới Nê hoàn.
Ba Vì, tháng 4-1965
Cảnh chiều ảm đạm khéo buồn sao
Tha thẩn vào ra dưới rặng đào
Cất giọng đề thơ không tiếng hoạ
Ngắm trời thăm thẳm nóc trời cao.
Tháng 4-1965
Chúc ông kiên nhẫn tựa Sa tăng
Mòn gót chai vai chẳng nghĩ xằng
Theo sát bên thầy khi mắc nạn
Gương tâm vằng vặc rọi như trăng.
Tháng 10-1964
I
Sớm tối chìm trong mộng thế gian
Thấy già lên núi gượng tham quan
Qua chùa, nhân gặp tăng đàm đạo
Trong kiếp “phù sinh” được buổi nhàn.
II
Gốc thông hỏi chú tiểu đồng
Đáp Thầy hái thuốc non đông vắng nhà
Non kia dẫu chẳng bao xa
Nhưng mây che khuất biết là tìm đâu.
Tháng 11-1968
Ra khỏi rừng lim chợt thấy chùa
Thông reo hoà lẫn tiếng chuông khua
Gió thơm nghi ngút mùi hương xạ
Mát rượi tâm can trận gió lùa.
Tháng 9 năm Giáp Thìn (1964)
Đương mỏi thì trông thấy Pháp Tràng
Mấy tầng lâu các vẻ phong quang
Chắc là Phật hoá ra cho nghỉ
Để khách hoàn lương* đỡ vội vàng.
Tháng 5-1965
*Khách hoàn lương: Khách từ Sa Bà đi về quê hương Cực Lạc.
Kể từ vô thuỷ kiếp lâu xa
Mãi đến bây giờ mới biết ta
Căng mắt nhìn theo tay trỏ nguyệt
Chao ôi! Pháp giới thật bao la.
Tháng 10-1964
Từ lúc tôi vào Hương Tích tu
Được giao đón tiếp khách xuân du
Mới hay biển học nhiều thi bá
Càng rõ rừng nho lắm trượng phu
Nhân hiếu sáng ngời nền Khổng, Mạnh
Trung hoà rạng rỡ cửa Trình, Chu
Nhà cổ vẫn còn người chống giữ
Rường cột mong sao vững vạn thu.
(Tặng nhóm nho sĩ Mai Lâm)
Tháng 6-1969
Ta hiểu nhau rồi anh Thắng ơi!
Hương Sơn Hà Nội há xa xôi
Chan hoà mưa nắng nên mầu đạo
Dầy dạn phong sương đậm nét đời
Tuy giống bồ đề gieo một chốn
Theo giòng nghiệp tính hoá đôi nơi
Muôn trùng thu gọn trong tâm niệm
Mượn thể dung thông gửi mấy lời.
Tháng 11-1968
I
Trẻ sớm đi tu, chớ để già
Kìa bao niên thiếu đã thành ma
Khấn cầu thượng đế không qua được
Cúng lễ thần linh chẳng thoát mà
Sinh tử ba đời do thức hiện
Thánh phàm chín cõi bởi tâm ta
Khuyên ai đã biết tin Tam Bảo
Trẻ sớm tu đi, chớ để già!
II
Chân tính nào đâu có trẻ già
Thuận là Bồ Tát nghịch là ma
Nơi người giác ngộ không thêm vậy
Ở kẻ si mê chẳng bớt mà
An Lạc, trầm luân đều bởi nghiệp
Niết Bàn, sinh tử cũng do ta
Thượng thừa tinh tiến lên là được
Chân tính nào đâu có trẻ già.
(Nhắn nhủ cùng ai, trẻ chí già
Tu hành cho thoát kiếp làm ma
Người không tham dục sang hơn cả
Đời chẳng sân si sướng lắm mà
Phiền não chỉ vì còn nghiệp chướng
Thanh cao nhờ ở cái “không ta”
Tu là cõi phúc, nên tu lấy
Nhắn nhủ cùng ai trẻ chí già).
Tháng 11-1968
Dập dềnh trên suối Yến ban chiều
Tiếng sóng hoà cùng tiếng gió reo
Trong rặng mơ vàng chim ríu rít
Bên sườn núi đá vượn trèo leo
Lòng thiền tịnh tĩnh trùm chân cảnh
Mặt nước mênh mông lượn mái chèo
Bỗng thấy trời quang trăng sáng hiện
Tỳ Lư Tính Hải nước trong veo.
Tháng 12-1968
I
Gió hút vào song rét tháng mười
Ngồi bên cửa sổ học không ngơi
Đầm đìa trước mặt quên mưa hắt
Nhí nhéo ngoài hiên mặc khách chơi
Biết phận cho nên thường tiếc bóng
Lo thân chẳng nỡ để tiêu thời
Giặc si còn mạnh chưa trù hết
Gươm tuệ khi nào dám để rơi.
II
Ta nên nghĩ tới phận ta hèn!
Chăm chỉ đêm ngày học gắng nên
Bảy thú trầm luân đang đợi cứu
Bốn ơn thâm trọng vẫn chưa đền
Cỗ xe đại, tiểu cần quay bánh
Cánh cửa luân hồi phải đóng then
Nay sẵn đèn từ cơ hội tốt
Gắng cho cõi Tịnh nảy mầm sen.
Tháng 10-1964
Xưa xây vọng nghiệp rất sâu xa
Huân tập vào trong A–lại–da
Như lụa nhuốm mầu không mất sắc
Như chè đem ướp có mùi hoa
Đến nay phải thụ thân hàm thức
Bởi trước lầm mê tính Phật-đà
Cho đến bây giờ tôi mới hiểu:
Muôn hình chẳng lọt thức tâm ta.
Tháng 5-1968
Ròng rã năm canh với mực son
Mơ màng trông đống sách chon von
Ánh trăng ngoài cửa đương vằng vặc
Tiếng dế bên rừng vẫn nỉ non
Mất gối Ôn Công nằm khó chịu
Thiếu màn Đổng Trọng ngủ không ngon
Sao Mai đổi gác, sao Hôm nghỉ
Mình vẫn chưa tha chiếc bút mòn.
Tháng 4-1968
Nay xin bạn chớ có khoe khoang
Đừng tưởng rằng mình đã giỏi giang
Tuệ mỏng há mong vào chính trí
Nghiệp dầy đâu dễ thấy từ quang
Tát vơi khổ hải khôn tìm ngọc
Đãi cả trần sa dễ được vàng
Kiêu mạn tham sân tâm chửa dứt
Chân tiên đâu đã vội mơ màng.
(Tự xưng là tiên)
Tháng 6-1969
I
Biển ái mênh mông nước đục lờ
Thương ai càng tắm lại càng nhơ
Nổi chìm mơ mộng từ bao kiếp
Sống thác vòng quanh mãi tới giờ
Lửa dục nấu nung thân ảo não
Sống phiền trôi dạt cõi bơ vơ
Thuyền từ Bát Nhã ra công đợi
Gọi mãi không lên vẫn hững hờ.
II
Gọi mãi không lên vẫn hững hờ
Hình như còn tiếc cố làm ngơ
Lênh đênh khổ hải đâu bờ bến
Siêu bạt phù sinh luống vẩn vơ
Gặp dịp quay đầu là tới bến
Lỡ thời, muôn kiếp, vẫn xa bờ
Khuyên ai hãy sớm hồi tâm lại
Từ phụ bên kia vẫn cố chờ.
Tháng 5-1969
Hai mốt năm xưa ở góc nhà
Chào đời bằng tiếng khóc oa oa
Năm châu từ đó thêm thân tớ
Bốn biển bây giờ có mặt ta
Cùng bẩm khuôn trời nung đúc được
Há ngoài lò tạo nẩy sinh ra
Ngày nay nước Việt trong Tăng chúng
Thêm một măng non kế trúc già.
(Mồng 1/6 Canh Dần 15/7/1950)
Tháng 7-1969
Bao kiếp xa xưa chịu đói nghèo
Thấy đường danh lợi mải xô theo
Hôm nay nghe được Cha hiền dạy
Mới biết trong mình ngọc vẫn đeo.
Tháng 4-1968
Len rừng, vịn đá thẳng lên ngàn
Thấy cảnh u trầm khác thế gian
Lưng núi hiện ra toà bảo động
Trong hang bầy rõ giếng thanh toàn
Sáng ngời năm sắc đèn khai trí
Trong vắt một mầu nước giải oan
Ai kẻ lầm luân đường gió bụi
Nước từ rửa sạch nỗi tân toan.
Tháng 12-1968
Một sớm mùa đông ửng nắng hồng
Tôi trèo lên đỉnh núi Hinh Bồng
Nghĩ mình mới tỉnh cơn mơ điệp
Thương người còn say giấc ngủ nồng
Cảnh tỉnh, khoan khua hồi mõ gỗ
Độ mê, muốn đánh tiếng chuông đồng
Nhìn ra biển nghiệp còn sâu rộng
Đành phải quay về học thuyết “Không”.
Tháng 10-1968
Len rừng, vịn đá thẳng lên ngàn
Thấy cảnh u trầm khác thế gian
Lưng núi hiện ra toà bảo động
Trong hang bầy rõ giếng thanh toàn
Sáng ngời năm sắc đèn khai trí
Trong vắt một mầu nước giải oan
Ai kẻ lầm luân đường gió bụi
Nước từ rửa sạch nỗi tân toan.
Tháng 12-1968