GIỚI THIỆU BỘ KINH
DƯỢC SƯ BẢN NGUYỆN CÔNG ĐỨC
---0---
GIỚI THIỆU BỘ KINH
DƯỢC SƯ BẢN NGUYỆN CÔNG ĐỨC
---0---
chuahatien.com - Nhân ngày vía Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật (29/9), Ban Thông tin -Truyền thông chùa Hà Tiên xin giới thiệu đến quý độc giả hai bài viết được trích từ: " Lời Nói Đầu" do Tôn sư cố HT. Thích Viên Thành viết và "Lời tựa" được TT. Thích Minh Trí chắp bút. Cả hai bài viết đều được in trong cuốn: "Kinh Dược Sư Bản Nguyện" do chính Thượng tọa trụ trì hội tập và được phát hành bởi Nxb Tôn Giáo, nhằm giới thiệu đến người trì tụng về bản nguyện, công hạnh độ nhân, cứu thế cao cả của đức Phật Dược Sư cũng như những công năng diệu dụng, lợi ích thù thắng, sự lợi lạc của hành giả khi trì tụng bộ kinh này.
Tôn sư HT. Thích Viên Thành
(1950 - 2002)
Cái khổ lớn nhất của chúng sinh ở trên thế gian này là sinh tử luân hồi.
Sở dĩ chư Phật Như Lai ứng hiện ra đời cũng chỉ nhằm mục đích giáo hóa cho chúng sinh giải thoát được nỗi khổ đó. Nhưng vấn đề sinh tử là vấn đề khó giải quyết nhất. Trong Tam tạng Thánh giáo lưu truyền lại Đức Phật đã thuyết ra tới 84.000 pháp môn để chỉ dạy cho chúng sinh cách giải quyết.
Chúng ta kém phúc đức nhân duyên sinh ra ở thời kì sau Phật trong lúc ngũ trược xí thịnh nhưng còn may mắn thấm nhuần giáo pháp, biết hướng tu hành. Tuy chưa đoạn trừ được sinh tử nhưng cũng biết được đường đi đến cõi giải thoát.
Ở các ngôi chùa lớn trong nước ta thường thờ ba Đức Phật. Ở giữa là đức Thích Ca Mâu Ni, hai bên là đức A Di Đà và đức Dược Sư. Với ngụ ý: đức Thích Ca là giáo chủ hiện tại ở thế giới Sa Bà là bậc thầy cao nhất của chúng ta truyền dạy các pháp. Còn đức Dược Sư là đấng Tế sinh, tiêu tai tăng duyên Thọ mệnh. Đức A Di Đà thì độ tử vớt lên chín phẩm đài sen đến nơi giải thoát.
Chúng ta dù học theo pháp môn nào đi nữa cũng nên thường xuyên đọc tụng, thực hành theo hai bản kinh Dược Sư và A Di Đà này thì lúc sống được an vui tăng duyên phúc thọ, khi xả báo thân này ắt được về Tịnh Độ, thấy Phật nghe pháp, cắt đứt tử sinh đó là cứu kính, đồng thời cũng là giải quyết được vấn đề khó giải quyết nhất.
Sở dĩ chúng sinh mắc vào vòng sinh tử luân hồi chẳng qua là bị màn vô minh phiền nào che lấp tâm tính sáng suốt. Đức Phật cũng như lương y đối bệnh cho thuốc. Thuốc ở thế gian để chữa thân bệnh. Pháp dược ở Phật thì chữ tâm bệnh. nếu chịu uống sẽ giải trừ được vô minh phiền não. Bản kinh Dược Sư này chính là một môn diệu dược vô cùng quý báu để chữa những tâm bệnh vô minh phiền não cấp tính và mãn tính, mà Đức Thích Tôn đã chỉ dạy. Chúng ta hãy kiên trì "Phục dược" (uống thuốc) thì ngày hết bệnh chắc hẳn không xa. Kê cứu lịch sử phiên dịch, thì bản kinh này nguyên văn chữ Hán có năm bản dịch:
Đức Phật Dược Sư - "Đức Phật Thầy Thuốc".
1, Bản của ngài Bạch Thi Lê Mật Đà La.
Thời Tấn tên là "Phật thuyết Quán Đỉnh Bạt Trừ Quá Tội Sinh Tử Đắc Độ kinh". In phụ vào trong bộ Phật thuyết Quán Đỉnh Đại Thần Chú Kinh và xếp kinh này thuộc về Mật bộ (Mật tông).
2, Bản dịch của ngài Tuệ Giản thời Tống.
tên là "Dược Sư Lưu Ly Quang kinh" bản này đã bị thất lạc.
3, Bản dịch của ngài Đạt Ma Cấp Đa (Pháp Hành).
Thời Tùy tên là "Phật Thuyết Dược Sư Như Lai Bản Nguyện kinh"
4, Bản dịch của ngài Huyền Trang đời Đường.
Tên là "Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức kinh". Ba bản trên không có thần chú nên thuộc về Tịnh độ.
5, Bản của ngài Nghĩa Tịnh thời Đường.
tên là: "Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Nguyện Công Đức kinh". Bản này có năm bài thần chú nên xếp vào Mật bộ (Mật tông).
Bản của chúng ta thường tụng nay là bản của ngài Huyền Trang hợp với bản của ngài Nghĩa Tịnh nên có cả thần chú.
Tuy nhiên, bản dịch khác nhau, có bản quy về Tịnh độ có bản quy về Mật tông nhưng chỗ diệu dụng của kinh này là "khiến cho chúng sinh thực hành được tiêu tai tăng duyên phúc thọ, gieo nhân tịnh cảnh, hái quả Bồ Đề".
Mùa an cư năm nay nhóm Phật tử Chân Tịnh xin thành kính biên tập theo bản dịch của Tuệ Nhuận, hợp san với kinh A Di Đà ấn tống, hồi hướng cho các đệ tử trong đạo tràng được thân tâm an lạc, phúc tuệ trang nghiêm. Tinh tiến chuẩn bị tư lương để:
"Tảo ly kham nhẫn độ
Thê tâm an dưỡng hương".
NON SÀI ĐẦU HẠ
THÍCH VIÊN THÀNH
ཏ་དྱ་ཐཱ། ༀ་བྷཻ་ཥ་ཛྱེ་བྷཻ་ཥ་ཛྱེ། མཧཱ་བྷཻ་ཥ་ཛྱེ། རཱ་ཛཱ་ས་མུངྒ་ཏེ་སྭཱ་ཧ
AYATHA OM BHEKYAZE BHEKYAZE MAHA BHEKYAZE RAZA SAMUNGGATE SOAHA/
"Nam - mô Bạc - già - phạt - đế, bệ sái xã lũ rô, bệ lưu ly bát lạt bà, hát ra xà giã,
đát tha yết đa gia; a ra hát đế, tam diểu tam bột đà gia, đát điệt tha.
Án bệ sái thệ, bệ sái thệ, bệ sái xã, tam một yết đế sa ha"
Thượng tọa Thích Minh Trí
Cái khổ lớn nhất của chúng sinh ở trên thế gian này là sinh tử luân hồi. Trong cái chuỗi từ sinh đến tử, bức bách nhất vẫn là bệnh khổ, về bệnh có thân bênh và tâm bệnh, khi thân có bệnh phải uống thuốc điều trị, còn tâm bệnh là do vô minh nghiệp chướng uất kết lâu ngày thành bệnh, nên muốn khỏi bệnh về tâm, phải tập tu tập xả, cởi bỏ dần những uất kết thì nghiệp bệnh sẽ tiêu tan.
Đức Phật được coi là "Đại Y Vương", nên trong tam tạng thánh giáo Đức Phật đã tuyết gồm 84.000 pháp môn để đối trị từng thứ bệnh của chúng sinh. Do vậy, trong những kinh mà hiện nay các Phật tử thường trì tụng hằng ngày đó là kinh Dược Sư, kinh A Di Đà, kinh Phổ Môn, trong đó kinh Dược Sư thuộc Mật thừa giáo.
Như có nhân duyên từ trước, năm 1993 khi tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp cử nhân Sử học tại chùa Quang Ân, thật vinh hạnh được cố Thượng tọa Chùa Hương tới dự, đồng thời ngay sau khi công bố kết quả điểm luận văn, cố Thượng tọa đã chính thức trao truyền cho tôi pháp môn Mật tông với chiếc chày Kim cương pháp bảo của Mật thừa.
Từ đó đến nay vì điều kiện chưa lập được thất riêng chuyên tu để hoằng truyền pháp môn Mật tông này, nhưng tôi cũng đã thường xuyên tổ chức lập các khóa đàn tụng kinh Dược Sư hầu tạo cơ duyên cho những ai có nhân duyên với pháp môn Mật tông này.
Tự thấy số lượng Phật tử muốn được tụng kinh Dược Sư ngày một đông, mà kinh sách còn quá thiếu, thẹn nghĩ bản thân chướng sâu tuệ cạn chưa làm được gì để báo đáp ân đức Tôn sư đã trao truyền giới châu tuệ mệnh, nhân dịp có các Phật tử thành kính xin được in kinh, tôi đã chọn cuốn kinh Dược Sư mà cố Thượng tọa trụ trì chùa Hương khi sinh thời tâm đắc đã từng cho tái bản lần thứ II, ngõ hầu báo đáp thâm ân của Tôn sư hoằng truyền Mật pháp, mong rằng Tôn sư luôn bên cạnh để sách tiến con cùng chư Phật tử nghiệp chướng tiêu trừ, tuệ nhật thường khai.
QUANG ÂN TRỌNG XUÂN
ĐỆ TỬ: THÍCH MINH TRÍ
BAN THÔNG TIN - TRUYỀN THÔNG
(SƯU TẦM)